Việc thiết kế một căn bếp luôn luôn là công việc tỉ mỉ nhiều hạng mục. Vậy đâu là những quy tắc, mẹo hay bí kíp cho bạn nếu bạn muốn xây mới hoặc cải tạo cho căn bếp của mình sao cho tiết kiệm mà lại làm tăng giá trị của ngôi nhà?
1. Tính ứng dụng của căn bếp
Đây là yếu tố quan trọng đầu bảng đối với việc thiết kế nội thất chuyên nghiệp. Ứng dụng trước, ngoại hình sau. Căn bếp phải là nơi để bạn có thể dễ dàng thực hiện việc nấu nướng và rửa dọn. 3 khu vực chính gồm bồn rửa, lò nướng cùng bếp nấu (có thể là bếp ga, bếp hồng ngoại hoặc bếp điện từ) và tủ lạnh cần được lắp đặt gần nhau theo hình tam giác. Với cấu trúc này, bạn có thể di chuyển khi chuẩn bị thức ăn, nấu nướng mà không phải mất công nhiều.
Ngoài ra, nếu gia đình bạn có từ 4-5 thành viên thì việc chừa ra một không gian nhỏ để hai người có thể đứng làm việc cùng lúc trong bếp là rất cần thiết. Đối với các gia đình Việt, do truyền thống nấu cỗ, giỗ thường tập trung đông người nên đây là điểm không thể bỏ qua.
2. Ánh sáng
Nếu có thể, hãy chắc chắn rằng nơi bạn đứng lâu nhất trong căn bếp, thông thường là không gian giữa bồn rửa và bếp nấu, ở gần hoặc ngay nơi có ánh sáng. Bằng cách này, chắc chắn bạn sẽ tận dụng tối đa được nguồn ánh sáng tự nhiên và làm cho không khí căn bếp trở nên sáng sủa và thư giãn vì bạn có thể nhìn qua cửa sổ bất cứ lúc nào để tranh thủ ngắm phố phường hay trông con chơi ngoài sân.
Nếu lắp đặt bón đèn, bạn hãy bố trí các bóng nhỏ, chiếu đủ sáng cho từng khu như bồn rửa, tủ lạnh và bếp nấu để tiết kiệm điện và chiếu sáng hiệu quả.
3. Màu sắc
Có lẽ yếu tố bắt mắt nhất đối với một căn bếp đẹp là màu sắc tường và nội thất. Vì thông thường, bạn chỉ cải tạo bếp sau khoảng 10-20 năm nên việc lựa chọn đúng đắn cho việc sử dụng lâu dài là rất quan trọng.
Nếu bếp ở hướng Bắc, toàn bộ phòng sẽ tối hơn nên bạn hãy chọn các bảng màu sáng để phản quang và làm cho căn bếp trông rộng rãi hơn. Ngược lại, nếu nó đã tràn ngập ánh sáng thì bạn có thể cân nhắc những gam màu tối hoặc gam màu trầm để căn bếp trông ấm cúng và dễ chịu hơn.
Nếu bạn cá tính mạnh và thích những gam màu nổi bật, lấp lánh thì hãy nhớ rằng những màu ấy rất dễ nhàm. Hãy chọn chất liệu gỗ để làm nội thất để bạn có thể dễ dàng thay đổi màu sắc nếu muốn.
4. Vật liệu
Căn bếp của bạn trông bóng loáng, màu lì hay lóng lánh sẽ do các loại vật liệu bạn chọn lựa. Tất nhiên lựa chọn sẽ do sở thích cá nhân của bạn nhưng hãy để ý đừng để bị lệch tông với nội thất của toàn bộ căn nhà. Hiện nay trên thị trường Việt Nam, nguyên liệu chủ yếu cho bồn rửa tay vẫn là inox và tủ bếp là tủ gỗ. Các loại gỗ có thể có màu sơn khác nhau nhưng chúng nên hài hoà với các thiết bị như tủ lạnh, lò vi sóng, vv
5. Đơn giản hoá
Tại sao trong tất cả các phong cách thiết kế, kiến trúc bắc Âu lại được ưa chuộng gần đây? Đó là vì phong cách tối giản của nó.
Không có gì mất mỹ quan bằng một chiếc thùng rắc nhựa nằm chỏng trơ giưã căn bếp, đồ bát đũa, thìa dĩa, rá rổ gài lung tung. Hãy đem cất chúng trong các ngăn đựng bên dưới hoặc giá gài bên trong tủ bếp.
Ở khu vực bồn rửa, bắt buộc phải có giá đựng xà phòng, nước rửa chén và bông cọ. Đừng để các miếng rửa chén ướt nhép tạo thêm công việc lau khô cho bạn.